Sản lượng và diện tích 6 tháng đầu năm tăng trưởng nhẹ
Tại “Diễn đàn kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam” diễn ra gần cuối tháng 7/2023, ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản (Cục Thủy sản) cho biết, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 656 nghìn ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tôm sú là 605 nghìn ha, tôm thẻ chân trắng là 51 nghìn ha.
Sản lượng tôm các loại trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 467 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng tôm sú 119,3 nghìn tấn, tăng 1,2%, tôm thẻ chân trắng 312,5 nghìn tấn, tăng 5,2%.
Kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1,56 tỷ USD, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.
Nhìn chung, sản lượng và diện tích thả nuôi đảm bảo kế hoạch và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022; tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm. Được mùa nhưng giá bán giảm sâu, chi phí đầu vào cao.
Mục tiêu lớn cho cả năm 2023
Theo Cục Thủy sản, năm 2023, ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất khoảng 140-150 tỷ tôm PL. Diện tích nuôi tôm đtá 750 nghìn ha, trong đó tôm sú 610 nghìn ha, tôm thẻ 120 nghìn ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác.
Sản lượng tôm các loại khoảng 1 triệu tấn, trong đó tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 750 nghìn tấn. Phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu tôm hơn 4,3 tỷ USD.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành đặt chỉ tiêu tiếp tục duy trì diện tích nuôi, thả bổ sung diện tích đã thu hoạch theo kế hoạch. Sản lượng 6 tháng cuối năm 2023 đạt 563 nghìn tấn.
Theo đó, ngành cũng đã đề ra một số định hướng phát triển nuôi tôm nước lợ trong thời gian tới. Thứ nhất là áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất: Tiết kiệm nước và nhiên liệu, thân thiện môi trường, hướng tới không sử dụng kháng sinh trong sản xuất, tạo sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, nuôi có chứng nhận đáp ứng các yêu cầu của thị trường; nuôi theo hướng giảm thiểu phát thải nhà kính, giảm sử dụng vật liệu nhựa.
Thứ hai, đa dạng hóa các phương thức nuôi theo điều kiện từng vùng và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Phát triển nuôi tôm ở các vùng bị nhiễm mặn, vùng chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của mỗi địa phương.
Đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế: Ưu tiên phát triển các hình thức nuôi có kiểm soát được nhiệt độ trong mùa đông, nuôi thâm canh, siêu thâm canh trong nhà lưới, bể xi măng, ao lót bạt.
Đối với các tỉnh ven biển Tây Nam bộ: Ưu tiên phát triển nuôi tôm sú sinh thái ở rừng ngập mặn, nuôi hữu cơ, nuôi tôm – lúa. Áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất tôm nuôi tại các vùng nuôi quảng canh.
Giải pháp trước mắt và lâu dài
Cục Thủy sản cũng đã đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo sản lượng các tháng cuối năm 2023 như: Duy trì sản xuất, ổn định tâm lý người nuôi, không thu hoạch ồ ạt. Hướng dẫn kỹ thuật phù hợp điều kiện, bối cảnh hiện tại: Mật độ thả có thể giảm, size thu hoạch lớn kết hợp các giải pháp giảm chi phí đầu vào. Các tỉnh ĐBSCL: Cân đối nuôi quảng canh – thâm canh. Duy trì ổn định nuôi tôm sú, kết hợp biện pháp kỹ thuật tăng năng suất. Phát triển tôm thẻ chân trắng ở những vùng điều kiện thuận lợi, kiểm soát tốt điều kiện nuôi.
Về các giải pháp cấp bách: Giảm các chi phí trung gian, thức ăn, vật tư đầu vào. Giảm giá thành sản phẩm để duy trì sản xuất và đảm bảo kế hoạch của năm.
Nâng cao chất lượng giống, chọn tạo giống kháng bệnh (nuôi quảng canh – quảng canh cải tiến)/ sạch bệnh (thâm canh – bán thâm canh)/ tăng trưởng nhanh. Phát triển các công nghệ, giải pháp kỹ thuật nuôi hiệu quả, thân thiện với môi trường: Bioflocs, nuôi nhiều giai đoạn/đa chu kỳ/đa ao, ương gièo, nuôi trong nhà bạt, sử dụng chế phẩm VSV… Cân đối nuôi quảng canh – thâm canh. Tăng sản lượng, tập trung tăng giá trị.
Về phát triển thị trường: Xây dựng thương hiệu cho các dòng sản phẩm chính. Phát triển các sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng. Áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận có uy tín gắn với các chương trình quảng bá sản phẩm.
Về tổ chức sản xuất và cơ chế chính sách: Kiểm soát điều kiện nuôi/khuyến khích ứng dụng GAP (quy hoạch/hạ tầng thủy lợi/quy định điều kiện…). Quản lý chất lượng, giá vật tư đầu vào. Quan trắc môi trường và cảnh báo sớm tại các vùng sản xuất tập trung. Cần có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư của doanh nghiệp, hỗ trợ các hộ quy mô nhỏ (thuế, tín dụng, ưu đãi đầu tư, bảo hiểm…). Tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị.
Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn