Vôi là một nguyên liệu quen thuộc với bà con nuôi tôm. Nhưng không phải ai cũng biết nên sử dụng loại vôi nào và cách đánh ra sao. Trong bài viết này, cùng BCC Aqua tìm hiểu cách sử dụng vôi trong nuôi tôm thẻ đúng cách và đạt hiệu quả cao nhé.
Tác dụng của vôi đối với ao nuôi tôm
Trước khi tìm hiểu cách sử dụng vôi trong nuôi tôm thẻ, bà con cần biết tác dụng của nó. Vôi được sử dụng trong nuôi tôm với các mục đích sau:
– Tăng độ pH cho ao đến ngưỡng thích hợp (7.5-8.5) nếu ao có độ pH thấp. Bổ sung khoáng vào ao nếu ao thiếu dinh dưỡng.
– Khử phèn cho ao nuôi, nhất là vùng bị nhiễm phèn tiềm tàng.
– Với ao nuôi nước ngọt cần tăng kiềm và bổ sung khoáng thì có thể sử dụng vôi.
– Giảm lượng CO2 và cắt tảo trong ao.
– Ao nuôi đã qua nhiều vụ sẽ chứa nhiều mùn bã hữu cơ gây ô nhiễm. Có thể sử dụng vôi để diệt khuẩn, sát trùng.
– Lắng đục và ổn định độ pH khi trời mưa.
Tùy vào mục đích sử dụng mà bà con có thể dùng vôi hiệu quả. Nhưng công dụng quan trọng nhất của vôi là xử lý phèn và ổn định độ pH.
Các loại vôi được dùng phổ biến hiện nay
Hiện nay, bà con nuôi tôm thường sử dụng các loại vôi khác nhau như CaCO3 (đá vôi), Ca(OH)2 (vôi tôi), CaO (vôi sống), CaMg(CO3)2 (vôi đen).
– Ca(OH)2: được sử dụng khi độ pH trong ao cực thấp (<4.5). Vôi tôi được sử dụng để kiểm soát dịch bệnh, tăng độ kiềm và độ cứng cho ao. Vôi tôi giúp ổn định độ pH, tiêu diệt mầm bệnh. Ngoài ra, nó còn kiểm soát tảo và chất lượng nước khi trời mưa. Và hỗ trợ cải tạo đất phèn, nâng độ pH của đáy ao. Nhưng vôi tôi ít được sử dụng vì nó không kiểm soát được vi khuẩn Vibrio.
– CaCO3: được sử dụng khi độ pH <7 và độ kiềm <20mg/l. Đá vôi ít gây biến động cho môi trường hơn các loại vôi khác.
– CaO: vôi này khi vào nước sẽ tỏa nhiệt lớn, giúp tăng kiềm và độ pH nhanh chóng. Nó khá an toàn khi sử dụng trong ao khô nên được sử dụng để cải tạo ao ban đầu, tiêu diệt mầm bệnh.
– CaMg(CO3)2: được sử dụng để cân bằng độ pH, bổ sung khoáng và magie cho nước. Nó được sử dụng để tăng kiềm cho ao thiếu dinh dưỡng. Vôi đen thường được sử dụng ở ao nuôi lâu, dư lượng chất hữu cơ nhiều.
Cách sử dụng vôi trong nuôi tôm thẻ đúng cách hiệu quả
– Bà con nên đánh vôi vào buổi sáng sớm vì lúc này độ pH ao thấp.
– Không nên đánh vôi vào buổi trưa vì khi đó nhiệt độ tăng cao, độ pH tăng cao. Đánh vôi lúc này dễ gây nguy hiểm cho tôm.
– Khoảng 4-6h chiều khi mặt trời lặn, bà con có thể sử dụng vôi để tạo khoáng cho tôm hấp thụ buổi tối. Tôm sẽ có đủ khoáng để mau lột vỏ và cứng vỏ. Nên sử dụng vôi CaCO3 để ổn định pH, ít ảnh hưởng đến tảo.
– Chỉ sử dụng vôi vào buổi tối nếu muốn giảm CO2 hoặc cắt tảo. Về đêm lượng CO2 tăng cao, độ pH giảm vào khoảng 0h đêm – 6h sáng. Nếu bà con để lượng CO2 quá 10ppm thì sẽ làm tôm bị sốc, hô hấp kém, khó lột vỏ và chết hàng loạt. Sử dụng CaCO3 để giảm lượng CO2 với tỷ lệ: 2.27gr CaCO3 giảm 1ppm CO2.
Hy vọng bà con đã biết cách sử dụng vôi trong nuôi tôm thẻ hiệu quả. Nếu bà con cần tư vấn về kiến thức nuôi tôm hiệu quả, hay tìm mua các sản phẩm xử lý môi trường ao nuôi, tăng cường đề kháng, thảo dược phòng trị bệnh cho tôm thì liên hệ ngay với BCC Aqua nhé.