Ngành tôm toàn cầu có dấu hiệu tích cực vào năm 2024

Cục Thủy sản đã đưa ra một số dự báo về mức sản xuất tôm toàn cầu sẽ tăng trở lại trong năm tới. Trong đó, tôm sú là đối tượng sẽ được nuôi và phát triển mạnh trở lại. Đặc biệt tại các nước Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.

Sản lượng tôm dự đoán tăng khoảng 4.8% vào năm 2024

Trong các tháng cuối năm 2023, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng tăng nhập khẩu tôm cho mùa tiêu dùng cao điểm kéo dài từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024. Nhu cầu tại Mỹ cũng sẽ có xu hướng tăng, nhưng các nhà nhập khẩu sẽ tăng nhập khẩu vào Giáng sinh, Tết Nguyên đán diễn ra từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024. Giá tôm được dự báo sẽ tăng trong giai đoạn này khi tổng sản lượng theo mùa thấp.

Theo đó, ngành nuôi tôm ở châu Á bước vào mùa sản lượng thấp điểm từ tháng 11/2023 đến tháng 2/2024; toàn bộ mùa nuôi ở Mỹ Latinh sẽ kéo dài đến tháng 2 – tháng 3/2024.

Tại Ecuador, Phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador (Camara Nacional de Acuacultura – CNA), ngành tôm của Ecuador đang chịu thiệt hại lên tới 5 triệu USD mỗi ngày do việc phân bổ năng lượng trên toàn quốc. Theo đó, các nhà chế biến và đóng gói tôm của nước này đang gánh chịu thiệt hại lên tới 3 triệu USD/ngày; trong khi các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi phải chịu tổn thất hơn 1 triệu USD/ ngày do phân bổ năng lượng. Trong tháng này, Ecuador đã cắt điện vài giờ mỗi ngày cho đến giữa tháng 12/2023 do hạn hán đã làm giảm sản lượng điện. 

Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm đông lạnh của Ecuador đạt 912,2 nghìn tấn, trị giá 4,82 tỷ USD, tăng 15% về lượng, nhưng giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tôm đông lạnh của Ecuador tăng chủ yếu do xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Tồn kho tôm đông lạnh cao trong khi nhu cầu tiêu dùng giảm khiến xuất khẩu tôm của Ecuador sang Mỹ giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, nhưng nhu cầu đã có dấu hiệu phục hồi trong thời gian tới. Ecuador xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu là tôm nguyên con. Trong khi thị trường châu Âu phần lớn tiêu thụ tôm còn nguyên vỏ, còn đầu.

Chuyên gia dự báo sản lượng sản xuất tôm của Ecuador năm nay sẽ tăng khoảng 15% so với năm 2022, đạt 1,3 – 1,4 triệu tấn. Năm 2024, sản lượng tôm dự kiến đạt tương đương năm 2023. Trong bối cảnh Trung Quốc, thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Ecuador, đang gặp phải các vấn đề về thị trường bất động sản, chứng khoán, người dân thắt chặt chi tiêu, Ecuador sẽ tập trung nhiều hơn để phát triển hàng giá trị gia tăng và tôm bóc vỏ. Các doanh nghiệp chế biến tôm hàng đầu của Ecuador là Omarsa và Songa đã có nhà máy chế biến tôm giá trị gia tăng mới, dây chuyền hấp tôm và đang đặt mục tiêu tập trung nhiều hơn vào mảng này.

Tại thị trường Việt Nam

Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn với những thách thức lớn: cạnh tranh gay gắt giữa các nước sản xuất tôm trên thế giới; cạnh tranh về giá cả thị trường (tiêu biểu nhất là tôm Ecuador luôn đưa ra giá chào bán rất thấp, với mức giá đó thì các hộ nuôi tôm của Việt Nam không có lãi, thậm chí lỗ nhẹ nếu vẫn bán giá thấp để duy trì việc làm cho người lao động); cùng với đó là các áp lực về chi phí thức ăn, chất lượng tôm giống và nan giải nhất là vấn đề dịch bệnh, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển ngành hàng.

Các chương trình, chiến lược, đề án đều đã được xây dựng (khá nhiều) tại Việt Nam. Vấn đề là cách thức vận dụng như thế nào để giúp Việt Nam giành được lợi thế cạnh tranh tốt nhất trên trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, chắc chắn việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị tôm nhất định phải tuân theo những quy ước/quy chuẩn quốc tế. Mặt khác, công nghệ tiên tiến trên thế giới khi ứng dụng vào Việt Nam phải được cải tiến và điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất.

Bên cạnh đó, tích cực phòng ngừa dịch bệnh; có những cảnh báo từ xa cũng như có những phán đoán chuẩn xác về thị trường đầu ra. Với lĩnh vực khoa học công nghệ, nhất thiết chú trọng khâu lựa chọn giống thủy sản; đồng thời cân nhắc giữa các hình thức nuôi giữa quảng canh/quảng canh cải tiến với thâm canh/bán thâm canh/siêu thâm canh để sử dụng tối ưu diện tích nuôi trồng thủy sản; hệ số thức ăn giảm nhưng vẫn phải đảm bảo tỷ lệ sống cao, tôm sinh trưởng, phát triển tốt; nâng tỷ trọng sản phẩm tôm giá trị gia tăng, đem về giá trị kim ngạch xuất khẩu cao; khẳng định thương hiệu Tôm Việt.

Đứng trước các thách thức về nhu cầu tiêu thụ tôm giảm, nguồn cung nguyên liệu tôm giá rẻ dồi dào (trong khi dịch bệnh tôm vẫn đe dọa Việt Nam), ngành Thủy sản xác định: Tuyệt đối không tìm cách đổ lỗi. Thay vào đó, cùng bàn bạc giải pháp, linh hoạt lựa chọn phương án tối ưu cho từng trường hợp cụ thể. Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước, Cục Thủy sản mong muốn nhận được nhiều ý kiến cởi mở hơn, mạnh dạn hơn. Tất cả cùng tìm kiếm các điểm mấu chốt nhất để giải quyết mọi vấn đề thật hiệu quả, từ đó có cơ sở vững chắc khi xây dựng và đệ trình những tham mưu chuẩn xác hơn, sát với thực tiễn Việt Nam hơn.

Nguồn: Sưu tầm

Bài viết liên quan

Tôm thẻ 30 ngày tuổi dễ mắc những bệnh gì?

Trong quá trình nuôi, bà con thường quan tâm tới vấn đề dịch bệnh. Vì nó ảnh hưởng trực tiếp...

Những cách giúp giảm chi phí nuôi tôm hiệu quả

Giá tôm sụt giảm, giá thức ăn tăng cao là những vấn đề nan giải của bà con nuôi tôm....

Kỹ thuật nuôi tôm sú tự nhiên đạt hiệu quả cao

Nuôi tôm sú tự nhiên không chỉ nâng cao chất lượng tôm thương phẩm mà còn giúp bà con bán...